Nhà máy điện mặt trời Hàm Kiệm 1
UBND tỉnh Bình Thuận chấp thuận cho công ty TNHH Đầu tư và Xây lắp Điện số 8 Bình Thuận đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Hàm Kiệm 1 với công suất vận hành 49MW.
Tỉnh Bình Thuận nằm trong khu vực nhiệt đới gần xích đạo với khí hậu, độ ẩm gió mùa đặc trưng, nắng nhiều và bức xạ kéo dài. Lượng bức xạ tổng cộng thực tế hàng năm đạt khoảng 1.961 kWh/m2; trung bình ngày khoảng 5,35 kWh/m2. Ngoài ra, điều kiện khí hậu ở đây rất thuận lợi do ít chịu ảnh hưởng của gió bão, nên là điều kiện khá lý tưởng cho việc xây dựng các nhà máy điện năng lượng mặt trời.
Ngày 18/09/2018, UBND Tỉnh Bình Thuận đã chấp thuận cho công ty TNHH Đầu tư và Xây lắp Điện số 8 Bình Thuận đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời Hàm Kiệm theo quyết định số 2427/QĐ-UBND. Dự án Nhà máy điện mặt trời Hàm Kiệm 1 được Bộ Công thương quyết định phê duyệt có công suất vận hành 49MW.
Trong đó, VNECO là đơn vị cung cấp, lắp đặt thí nghiệm thiết bị nhất thứ như: Máy cắt 110kV, Dao Cách Ly (DS), Biến điện áp (TU), Biến dòng điện (TI), Chống sét van (LA), đảm bảo các yêu cầu kỹ thuật, phân tích hiệu quả đầu tư theo công nghệ quang điện.
Với tổng diện tích quy hoạch khoảng 45,632 ha, Nhà máy điện mặt trời Hàm Kiệm 1 được quy hoạch tại xã Hàm Kiệm – huyện Hàm Thuận Nam – tỉnh Bình Thuận, phía Đông giáp đường vào Nhà máy xử lý rác phía Nam thành phố Phan Thiết, phía Tây giáp khu Quy hoạch đường Hàm Kiệm – Tiến Thành, phía Nam giáp đất sản xuất nông nghiệp các hộ dân và phía Bắc giáp đất sản xuất nông nghiệp các hộ dân.
Để đảm bảo dự án hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng, có hiệu quả cũng như bảo toàn và phát triển được vốn đầu tư, tiết kiệm ngân sách của Nhà nước, hệ thống cung cấp điện của Nhà máy điện mặt trời Hàm Kiệm 1 tỉnh Bình Thuận được lắp đặt hệ thống pin năng lượng mặt trời với tổng công suất đưa vào lưới điện khoảng 46MWp, lắp đặt bổ sung máy biến áp T2 vào trạm biến áp (TBA) 22/110kV Hàm Kiệm, hệ thống bộ biến tần chuyển đổi DC/AC (Inverter), cáp đầu nối 22kV, lập trạm biến áp 3 pha – 22/0,4kV cấp điện cho nhà điều hành – kỹ thuật.
Như vậy tính đến nay, bên cạnh dự án Nhà máy điện mặt trời Hàm Kiệm 1, tỉnh Bình Thuận đã có hơn 30 dự án điện mặt trời đã được vận hành hoặc được phê chuẩn theo kế hoạch đầu tư và xây dựng của UBND Tỉnh. Theo quy hoạch, đến năm 2030, tỉnh Bình Thuận có thể thu hút đầu tư phát triển các dự án nhà máy năng lượng mặt trời với tổng công suất trên 4.000 MW.
—————————-
Tham gia dự án Nhà máy điện mặt trời Hàm Kiệm 1 đánh dấu bước khởi đầu thuận lợi, thúc đẩy triển khai các dự án năng lượng sạch trong chiến lược phát triển điện mặt trời, điện gió của VNECO tại các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên.